Quản Lý Di Sản
Chuyển Giao Tài Sản khi Qua Đời và Cách Lập Kế Hoạch cho Tuổi Già
Thông Tin và Câu Hỏi Thường Gặp (Frequently Asked Question, FAQ) về Quản Lý Di Sản
Trong phần này, quý vị có thể tìm thấy thông tin và câu trả lời cho các câu hỏi sau:
- Người Đại Diện Cá Nhân phải làm gì sau khi được chỉ định?
Ba trách nhiệm chính của người đại diện cá nhân bao gồm:- Thu thập tài sản và nộp bản Kiểm Kê và Thẩm Định đối với tài sản của người quá cố,
- trả các khoản nợ, nộp thuế và thanh toán các nghĩa vụ tài chính của người quá cố và
- phân chia tài sản còn lại cho những người có quyền nhận.
- Tôi "Thu Thập Tài Sản" như thế nào?
Sau khi được chỉ định, người đại diện cá nhân phải thu thập hoặc nắm giữ toàn bộ tài sản của người quá cố cần quản lý trong tài sản cần chứng thực di chúc.- Lấy Mã Số Thuế:
Trước khi có thể thiết lập tài khoản séc di sản hoặc chuyển giao tài khoản hiện tại, người đại diện cá nhân sẽ cần lấy "Mã Số Thuế" từ Sở Thuế Vụ cho bản thân với tư cách là Người Đại Diện Cá Nhân cho di sản của người quá cố.
Quý vị có thể thực hiện việc này bằng cách hoàn thành Đăng Ký Mã Số Nhận Diện Hãng Sở (Mẫu Đơn SS-4 của Sở Thuế Vụ [Internal Revenue Service, IRS]). Gọi cho IRS theo số (559) 452-4010 để lấy mã số. Quý vị phải gửi cho IRS mẫu đơn SS-4 qua fax theo số (559) 443-6961 trong vòng 24 giờ sau khi chỉ định mã số thuế.Thông Báo về Quan Hệ Ủy Thác: - Người đại diện cá nhân cũng phải thông báo cho Sở Thuế Vụ về việc mình được chỉ định bằng cách nộp Thông Báo về Quan Hệ Ủy Thác (Mẫu Đơn 56 của IRS).
- Tài sản cá nhân:
Sau khi có mã số thuế thì có thể đóng và chuyển tài khoản tiền mặt đứng tên người quá cố sang tài khoản di sản đứng tên người đại diện cá nhân. Nếu việc đóng tài khoản của người quá cố có thể dẫn đến khoản tiền phạt rút sớm thì đăng ký tài khoản có thể đổi sang tên người đại diện cá nhân mà không đóng tài khoản.
Quý vị sẽ cần trao đổi với nhân viên ngân hàng để tìm hiểu các yêu cầu cụ thể của họ.
Cũng có thể đổi chứng nhận cổ phiếu và tài khoản môi giới để phản ánh sự thay đổi về quyền sở hữu từ người quá cố sang người đại diện cá nhân để có thể báo cáo chính xác cổ tức và thu nhập thay mặt cho người quá cố. - Bất động sản:
Không cần ghi lại chứng thư để thay đổi quyền sở hữu đối với bất động sản của người quá cố. Thay vào đó, người đại diện cá nhân phải thông báo cho Viên Chức Định Giá Trị Tính Thuế tại quận hoặc các quận nơi đặt bất động sản của người quá cố bằng cách nộp cho Viên Chức Định Giá Trị những mẫu đơn sau:- Thông Báo về việc Chủ Sở Hữu Bất Động Sản Qua Đời
- Báo Cáo Sơ Bộ về Thay Đổi Quyền Sở Hữu
- Yêu Cầu Miễn Trừ Định Lại Giá Trị để Chuyển Giao Giữa Cha Mẹ và Con Cái (đây là mẫu đơn bắt buộc nếu bất động sản được chuyển từ cha mẹ sang con cái hoặc từ ông bà sang cháu để tránh định lại giá trị tính thuế tài sản)
- Bản sao giấy chứng tử của người quá cố.
- Lấy Mã Số Thuế:
- Tôi nộp bản Kiểm Kê và Thẩm Định như thế nào?
Trong vòng bốn tháng sau khi được chỉ định, người đại diện cá nhân phải nộp cho tòa án bản kiểm kê tài sản cần được quản lý trong vụ kiện chứng thực di chúc, cùng bản thẩm định giá trị thị trường hợp lý của mỗi mục tài sản vào ngày mất của người quá cố. - Lập Bản Kiểm Kê và Thẩm Định:
Quý vị phải sử dụng mẫu đơn Kiểm Kê và Thẩm Định in sẵn (Mẫu Đơn DE-160, Hội Đồng Tư Pháp) và Bản Kiểm Kê và Thẩm Định Đính Kèm (Mẫu Đơn DE-161, Hội Đồng Tư Pháp).
Là người đại diện cá nhân, quý vị phải điền đầy đủ và ký vào mặt trước của mẫu đơn Kiểm Kê và Thẩm Định (để trống dòng "Tổng Giá Trị Thẩm Định của Trọng Tài" nhưng phải trả lời từng phần) và mô tả mỗi tài sản trên các mẫu đơn Tài Liệu Đính Kèm.
Phải mô tả đầy đủ mỗi mục tài sản để có thể xác định và thẩm định được tài sản đó, bao gồm cả số tài khoản, mô tả pháp lý, số giấy phép, v.v. Tài sản được chia thành hai mục: tài sản có thể do người đại diện cá nhân thẩm định (Tài Liệu Đính Kèm 1) và tài sản phải do trọng tài chứng thực di chúc thẩm định (Tài Liệu Đính Kèm 2).
Ngoài ra, mỗi mục phải phản ánh liệu tài sản đó là tài sản riêng của người quá cố hay một nửa quyền lợi của người quá cố trong tài sản chung giữa người quá cố và vợ/chồng còn sống của người đó. - Tài sản phải được liệt kê trong Tài Liệu Đính Kèm 1:
Tiền và các mục "tiền mặt" khác, bao gồm các tài khoản trong tổ chức tài chính, séc hoàn tiền (bao gồm hoàn tiền thuế và tiện ích, bồi hoàn Medicare, bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe khác), quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ và tiền mặt trong tài khoản tiền mặt của người môi giới, số tiền thu được từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và kế hoạch hưu trí, khoản niên kim phải trả cho di sản của người quá cố thông qua các khoản tiền trả một lần.
Mỗi mục phải liệt kê giá trị bằng đồng đô-la vào ngày mất của người quá cố. - Tài sản phải được liệt kê trong Tài Liệu Đính Kèm 2:
Tất cả tài sản không được liệt kê trong Tài Liệu Đính Kèm 1, bao gồm nhưng không giới hạn bất động sản; cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán khác; và tài sản cá nhân hữu hình như ô tô; quyền lợi trong công ty hợp danh và doanh nghiệp. Đồ gia dụng và đồ đạc có thể đưa vào danh sách đồ sưu tầm thay vì liệt kê mỗi mục đồ đạc riêng lẻ.
Quý vị không nên liệt kê giá trị của những mục này mà nên để chỗ trống sau mỗi mục để trọng tài chứng thực di chúc thẩm định và điền sau.Tuy nhiên, nếu người quá cố sở hữu tài sản có thể được coi là "tài sản cá nhân hữu hình độc đáo, có tính nghệ thuật, hiếm có hoặc đặc biệt" (ví dụ như đồ cổ, ô tô có thể sưu tầm hoặc bộ sưu tập tiền xu), quý vị có thể chọn yêu cầu chuyên gia độc lập thẩm định mục đó và ghi chú trên mẫu đơn, cho biết tài sản đó do chuyên gia độc lập thẩm định.
- Trọng tài chứng thực di chúc:
Trọng Tài Chứng Thực Di Chúc là các chuyên gia thẩm định đủ tiêu chuẩn, đã đạt các yêu cầu nghiêm ngặt về học vấn và kiểm định và được Văn Phòng Điều Tra Tiểu Bang California chỉ định làm trọng tài chứng thực di chúc cho mỗi quận. Xem Danh Sách Trọng Tài Chứng Thực Di Chúc của Quận Alameda.
Tại thời điểm chỉ định người đại diện cá nhân, Tòa Án Chứng Thực Di Chúc chỉ định trọng tài chứng thực di chúc sẽ giải quyết di sản đó trong Lệnh Chứng Thực Di Chúc. Phí cho trọng tài chứng thực di chúc (xem Phí Chứng Thực Di Chúc) được quy định theo pháp luật dưới hình thức tiền hoa hồng bằng 1/10 của 1 phần trăm giá trị tài sản do trọng tài chứng thực di chúc thẩm định, trong đó mức phí tối thiểu là $75 (tương đương tài sản có giá trị $75,000) và mức phí tối đa là $10,000 (tương đương tài sản có giá trị $10,000,000).
Tài sản do người đại diện cá nhân thẩm định (được liệt kê trong Tài Liệu Đính Kèm 1) và bất kỳ tài sản nào do chuyên gia độc lập thẩm định sẽ không được gộp vào để tính phí trọng tài. Người đại diện cá nhân có trách nhiệm giao bản Kiểm Kê và Thẩm Định đã hoàn thành và có chữ ký (cùng Tài Liệu Đính Kèm 1 và 2) cho Trọng Tài Chứng Thực Di Chúc, cùng với bất kỳ dữ liệu hỗ trợ nào để cho phép Trọng Tài Chứng Thực Di Chúc thẩm định tài sản được liệt kê trong bản Kiểm Kê và Thẩm Định (như báo cáo kết quả kinh doanh cho quyền lợi trong công ty cổ phần có tổ chức khép kín hoặc doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu tư nhân).
Trọng Tài Chứng Thực Di Chúc phải gửi lại bản Kiểm Kê và Thẩm Định hoàn thành đã điền giá trị tài sản trong vòng 60 ngày (trừ khi người đó liên hệ với quý vị vì cần thêm thông tin).
Cảnh báo: Phải cẩn thận để mô tả đầy đủ và chính xác tài sản trong bản Kiểm Kê và Thẩm Định. Một số vấn đề thường gặp bao gồm: 1) giấy hẹn trả tiền được bảo đảm bằng chứng thư ủy thác trên bất động sản (không mô tả đầy đủ giấy hẹn và bất động sản cơ sở, bao gồm cả việc ghi lại thông tin trên chứng thư ủy thác); 2) không nêu rõ quyền lợi của người quá cố (100%, 50%, 25%, v.v.) và đó là tài sản riêng hay tài sản chung.
- Kiểm kê một phần, bổ sung và sửa đổi:
Nếu quý vị có thể gộp tất cả tài sản di sản trong một mẫu đơn Kiểm Kê và Thẩm Định thì cần đánh dấu bản Kiểm Kê và Thẩm Định đó là "Cuối Cùng" ở đầu mẫu đơn. Quý vị cũng có thể nộp bản Kiểm Kê "Một Phần" đối với một số tài sản và nộp bản Kiểm Kê "Cuối Cùng" khi đã kê khai những tài sản cuối cùng.Nếu phát hiện tài sản khác thuộc về người quá cố sau khi đã nộp bản Kiểm Kê "Cuối Cùng", quý vị phải nộp bản Kiểm Kê "Bổ Sung". Nếu phát hiện bất kỳ mục nào đã liệt kê trong bản Kiểm Kê trước đó không chính xác (ví dụ: sai số tài khoản hoặc mô tả pháp lý), quý vị phải nộp bản Kiểm Kê "Sửa Đổi" để sửa lỗi đó.
Nếu không sửa lỗi đó thì có thể dẫn đến chậm trễ nhận được phê duyệt cuối cùng từ tòa án để kết thúc vụ kiện và phân chia tài sản của người quá cố!
- Tôi có thẩm quyền gì để quản lý tài sản của người quá cố?
Nếu các điều khoản chỉ định quý vị làm người đại diện cá nhân bao gồm "thẩm quyền quản lý di sản theo Đạo Luật Quản Lý Di Sản Độc Lập" với thẩm quyền "đầy đủ" hoặc "giới hạn" (quyền hạn sẽ được nêu trong Thư hoặc Lệnh Chứng Thực Di Chúc đã được nộp khi quý vị được chỉ định lần đầu), quý vị sẽ có nhiều quyền hạn đa dạng để tiến hành một số giao dịch nhất định mà không cần tòa án giám sát, có nghĩa là không cần phải xin phê duyệt trước của tòa án. Tuy nhiên, có thể vẫn cần phải thông báo cho những người có quyền lợi trong di sản trước khi quý vị có thể thực hiện hành động đó. - Những loại hành động nào cần phiên xử tại Tòa?
Quý vị phải có phiên xử và xin phê duyệt của tòa trước khi thực hiện những hành động sau đây:- Trả phí hoặc tiền hoa hồng cho bản thân với tư cách là người đại diện cá nhân hoặc cho luật sư của quý vị (nếu quý vị có luật sư đại diện);
- Phê duyệt sổ sách kế toán;
- Phân chia tài sản (ngoại trừ các khoản phân chia có thể được thực hiện sau khi gửi Thông Báo về Hành Động Đề Xuất;
- Bán hoặc trao đổi tài sản thuộc sở hữu của người quá cố sang cho bản thân quý vị trong khi quý vị đang là người đại diện cá nhân;
- Ký kết dàn xếp giải quyết hoặc thỏa ước về bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến di sản đại diện cho chính quý vị hoặc luật sư của quý vị (nếu quý vị có luật sư đại diện);
- Bán hoặc trao đổi bất động sản (nếu quý vị có thẩm quyền "giới hạn" và không có "đầy đủ" thẩm quyền). Nếu phải có được phê duyệt của tòa án để bán bất động sản của người quá cố, hãy đảm bảo quý vị hỏi ý kiến luật sư có kinh nghiệm mua bán liên quan đến chứng thực di chúc vì thủ tục mua bán dưới sự giám sát của tòa án có tính phức tạp và cần tuân thủ nghiêm ngặt một số thủ tục và thời hạn nhất định mà nếu không tuân thủ đúng thì có thể ảnh hưởng xấu đến giao dịch của quý vị.
- Những loại hành động nào yêu cầu Thông Báo về Hành Động Đề Xuất?
Sau khi gửi Thông Báo về Hành Động Đề Xuất (Mẫu Đơn DE-165) (và nếu quý vị không nhận được bất kỳ phản đối nào), quý vị có thể thực hiện những hành động sau:- Bán hoặc trao đổi bất động sản (nếu quý vị có "đầy đủ" thẩm quyền);
- Bán hoặc sáp nhập hoạt động kinh doanh của người quá cố;
- Vay hoặc cầm cố, thế chấp di sản;
- Cấp quyền chọn mua bất động sản;
- Chuyển giao bất động sản cho người được trao quyền chọn mua theo Di Chúc của người quá cố;
- Hoàn thành hợp đồng mà người quá cố đã ký khi còn sống để chuyển nhượng hoặc chuyển giao tài sản;
- Xác định các tuyên bố đối với tài sản được tuyên bố là thuộc sở hữu của người quá cố hay người khác;
- Ký bản khước từ trách nhiệm thay mặt cho người quá cố;
- Phân phối một số loại tài sản nhất định sau khi kết thúc khoảng thời gian để nộp yêu cầu thanh toán của chủ nợ;
- Thu nhập đã nhận trong khi xử lý;
- Đồ gia dụng, đồ đạc và động sản hữu hình (bao gồm cả ô tô) cho những người có quyền nhận theo Di chúc của người đã qua đời, lên đến tổng giá trị $50,000;
- Quà bằng tiền mặt được tặng theo Di Chúc của người quá cố, lên tới $10,000 mỗi người.
- Những loại hành động nào có thể yêu cầu Thông Báo về Hành Động Đề Xuất trong một số trường hợp?
Nói chung, quý vị có quyền thực hiện những hành động sau mà không cần thẩm quyền của tòa án từ trước hay gửi Thông Báo về Hành Động Đề Xuất nhưng quý vị phải gửi Thông Báo về Hành Động Đề Xuất nếu thực hiện những hành động này trong những tình huống sau:- Ký kết hợp đồng, nếu không thể thực hiện hợp đồng trong vòng hai năm;
- Đầu tư tiền thuộc di sản, nếu khoản đầu tư không phải là:
- Công cụ vay của Hoa Kỳ hoặc Tiểu Bang California, sẽ đến hạn trong vòng một năm kể từ ngày đầu tư;
- Quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ với một danh sách đầu tư chỉ giới hạn ở các công cụ vay của chính phủ Hoa Kỳ sẽ đến hạn trong vòng năm năm kể từ khi đầu tư và thỏa thuận mua lại được thế chấp đầy đủ bằng các công cụ vay của chính phủ Hoa Kỳ;
- Các đơn vị trong quỹ ủy thác chung chủ yếu đầu tư vào các công cụ vay có thu nhập cố định ngắn hạn;
- Chứng khoán đủ điều kiện được đầu tư bằng tiền thặng dư của tiểu bang;
- Các khoản đầu tư được phép hoặc được chỉ dẫn theo Di Chúc của người quá cố.
- Tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh chưa đăng ký của người đã qua đời trong khoảng thời gian hơn sáu tháng kể từ ngày cấp Thư hoặc nếu quý vị hành động với tư cách là thành viên hợp danh của công ty hợp danh;
- Thanh toán một khoản trợ cấp gia đình cho vợ/chồng còn sống hoặc con cái vị thành niên của người quá cố, nếu hoặc khi quý vị:
- Thanh toán khoản trợ cấp gia đình đầu tiên;
- Thanh toán khoản đầu tiên sau khi đã hết 12 tháng sau ngày mất của người quá cố; hoặc
- Tăng số tiền thanh toán của một khoản trợ cấp gia đình.
- Cho thuê động sản hoặc bất động sản trong thời hạn dài hơn một năm:
- Bán hoặc trao đổi động sản thuộc sở hữu của người quá cố, nếu tài sản đó không phải là:
- Chứng khoán được bán trên sàn giao dịch chứng khoán hoặc trái phiếu đã được thiết lập;
- Chứng khoán được thiết kế như một chứng khoán của hệ thống thị trường quốc gia và được bán thông qua người môi giới/kinh doanh chứng khoán đã đăng ký;
- Động sản dễ hỏng hoặc mất giá hay tài sản cần trả trợ cấp gia đình
- Cấp hoặc kéo dài quyền cho người môi giới trên cơ sở độc quyền để bán tài sản của người quá cố, nếu lần cấp quyền ban đầu cùng với bất kỳ khoảng thời gian gia hạn nào trước đó vượt quá 270 ngày.
- Loại hành động nào không yêu cầu phê duyệt trước của Tòa Án hoặc gửi Thông Báo về Hành Động Đề Xuất?
Là người đại diện cá nhân, quý vị có quyền hạn thực hiện độc lập những hành động sau mà không cần gửi Thông Báo về Hành Động Đề Xuất:- Phê duyệt, thanh toán, từ chối hoặc phản đối bất kỳ khiếu nại nào được nộp đối với di sản (ngoại trừ bất kỳ khiếu nại nào bởi hoặc chống lại quý vị); dàn xếp hoặc giải quyết bất kỳ vụ kiện nào bởi hoặc chống lại người quá cố; hoặc giải trừ bất kỳ yêu cầu thanh toán nào của người quá cố mà quý vị quyết định là không thể thu được;
- Khởi kiện vì lợi ích của người quá cố hoặc bào chữa vụ kiện chống lại người quá cố;
- Gia hạn, làm mới hoặc sửa đổi các điều khoản của nghĩa vụ tài chính phải trả cho người quá cố;
- Chuyển nhượng hoặc chuyển giao tài sản nếu cần thiết để thực hiện quyền hạn cụ thể được trao cho quý vị với tư cách là người đại diện cá nhân;
- Nộp thuế, tiền xác định giá trị tính thuế hoặc chi phí phát sinh để thu gom, chăm sóc hoặc xử lý tài sản của người quá cố;
- Mua khoản niên kim để hoàn thành quà tặng trong Di Chúc của người quá cố yêu cầu thực hiện các khoản thanh toán định kỳ cho một người thụ hưởng;
- Thực hiện bất kỳ quyền chọn nào thuộc về người quá cố;
- Mua chứng khoán hoặc hàng hóa cần thiết để thực hiện hợp đồng mua bán chưa hoàn thành nếu người quá cố mất đi khi đã bán nhưng chưa giao chứng khoán hoặc hàng hóa không thuộc sở hữu của người quá cố;
- Nắm giữ chứng khoán đứng tên người được chỉ định hoặc bất kỳ hình thức nào khác mà không tiết lộ người quá cố để chuyển quyền sở hữu trên giấy tờ bằng cách giao chứng khoán;
- Thực hiện quyền đăng ký mua hoặc chuyển đổi đối với chứng khoán;
- Sửa chữa và cải tạo động sản và bất động sản;
- Chấp nhận chứng thư thay vì tịch thu trong trường hợp tịch thu hoặc bán bất động sản thông qua đấu giá công khai; và
- Thực hiện một phần thế chấp hoặc yêu cầu người được ủy thác ký giấy trả lại một phần quyền sở hữu theo chứng thư ủy thác của người quá cố.
- Nếu được yêu cầu thì tôi gửi Thông Báo về Hành Động Đề Xuất như thế nào?
Bước 1
Điền đầy đủ mặt trước và nửa đầu mặt sau của mẫu đơn sau đây:
Thông Báo về Hành Động Đề Xuất (Mẫu Đơn DE-165, Hội Đồng Tư Pháp) và tất cả tài liệu đính kèm (ví dụ: nếu quý vị bán bất động sản, hãy đính kèm bản sao Thỏa Thuận Mua Bán Nhà Ở hoặc hợp đồng khác do quý vị ký, trong đó nêu rõ điều khoản mua bán).
Chọn một ngày để bạn có đủ thời gian gửi thông báo thỏa đáng cho mọi người chịu ảnh hưởng bởi hành động đó. (Xem Bước 2 để biết các yêu cầu về thời gian.)Bước 2
Gửi qua thư hoặc giao trực tiếp mẫu đơn Thông Báo về Hành Động Đề Xuất (cùng mọi tài liệu đính kèm) tới mỗi người ít nhất 15 ngày trước ngày quy định trong Thông Báo về Hành Động Đề Xuất.
Lưu ý:
Quý vị không được tự gửi thư hay giao giấy tờ, hãy nhờ ai đó khác giúp quý vị gửi thư hoặc giao giấy tờ.
Những người cần nhận thông báo gồm:
- Mỗi người thừa kế theo di chúc (nếu người quá cố có Di Chúc) mà quyền lợi trong di sản sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động đề xuất đó;
- Mỗi người thừa kế (nếu người quá cố không có Di Chúc) mà quyền lợi trong di sản sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động đề xuất đó;
- Mỗi người đã nộp Yêu Cầu Thông Báo Đặc Biệt; và
- Bộ Trưởng Tư Pháp, nếu bất kỳ phần nào không có người thừa kế trong di sản sẽ được chuyển giao cho Tiểu Bang California và quyền lợi của Tiểu Bang sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động đề xuất đó.
Quý vị cũng có thể (và nếu khả thi thì nên) yêu cầu mỗi người nhận Thông Báo về Hành Động Đề Xuất ghi ngày và ký vào phần "Đồng Ý với Hành Động Đề Xuất" ở cuối mặt sau của mẫu đơn Thông Báo về Hành Động Đề Xuất.
Quý vị không phải gửi Thông Báo về Hành Động Đề Xuất cho bất kỳ người nào ký Giấy Từ Bỏ Thông Báo về Hành Động Đề Xuất (Mẫu Đơn DE-166, Hội Đồng Tư Pháp). Có thể ký mẫu đơn này cho giao dịch cụ thể được đề cập trong Thông Báo về Hành Động Đề Xuất hoặc làm giấy từ bỏ chung đối với tất cả các hành động yêu cầu phải có Thông Báo về Hành Động Đề Xuất.
Bước 3
Yêu cầu người đã gửi Thông Báo về Hành Động Đề Xuất ký Bằng Chứng Tống Đạt bằng Thư. Nếu bất kỳ mẫu đơn nào được tống đạt trực tiếp, hãy yêu cầu người đã tống đạt Thông Báo về Hành Động Đề Xuất điền đầy đủ và ký Bằng Chứng Tống Đạt Trực Tiếp (nhấp để xem mẫu đơn (KHÔNG CÓ LIÊN KẾT)).
Nộp bản gốc Thông Báo về Hành Động Đề Xuất và các mẫu đơn Bằng Chứng Tống Đạt bằng Thư hoặc Bằng Chứng Tống Đạt Trực Tiếp cho Lục Sự Nộp Hồ Sơ Chứng Thực Di Chúc.
Nếu có bất kỳ người nào ký vào phần "Đồng Ý với Hành Động Đề Xuất" ở mặt sau của mẫu đơn Thông Báo về Hành Động Đề Xuất hoặc nếu có bất kỳ người nào ký mẫu đơn "Giấy Từ Bỏ Thông Báo về Hành Động Đề Xuất", quý vị cũng phải nộp những tài liệu đó.
Bước 4
Quý vị phải chờ đến ngày quy định trong Thông Báo về Hành Động Đề Xuất mới có thể hoàn thành giao dịch đó. (Nếu mọi người có quyền nhận thông báo đã ký vào phần Đồng Ý hoặc Giấy Từ Bỏ đối với thông báo, thì quý vị không cần chờ đến khi kết thúc khoảng thời gian 15 ngày đó.)
- Nếu có ai đó phản đối Hành Động Đề Xuất thì sao?
Tôi đã nhận được Thông Báo về Hành Động Đề Xuất qua thư, làm thế nào để tôi phản đối?
Bất kỳ người nào có quyền nhận thông báo về hành động đề xuất đều có thể phản đối hành động đề xuất khi giao trực tiếp hoặc gửi qua thư văn bản phản đối tới người đại diện cá nhân theo địa chỉ ghi trong Thông Báo về Hành Động Đề Xuất. Người đó có thể ký vào phần "Phản Đối" ở mặt sau của mẫu đơn Thông Báo về Hành Động Đề Xuất hoặc nộp bất kỳ văn bản nào khác xác định hợp lý hành động đề xuất và cho biết người đó phản đối. - Văn bản phản đối phải được giao cho hoặc được nhận bởi người đại diện cá nhân chậm nhất vào ngày muộn hơn giữa:
- ngày quy định trong Thông Báo về Hành Động Đề Xuất hoặc
- ngày thực hiện hành động đề xuất trên thực tế.
- Người phản đối cũng có thể xin tòa ban hành lệnh cấm để cấm người đại diện cá nhân thực hiện hành động đề xuất mà không có sự giám sát của tòa án.
Nếu có người phản đối hành động đề xuất, người đại diện cá nhân không được tự hoàn thành giao dịch mà phải yêu cầu tòa án giám sát hoặc yêu cầu tòa án hướng dẫn liên quan đến hành động đề xuất.
Là Người Đại Diện Cá Nhân, tôi có trách nhiệm gì với chủ nợ?
Là người đại diện cá nhân, quý vị có nghĩa vụ thông báo cho cả chủ nợ đã xác định và chủ nợ có thể xác định một cách hợp lý về việc tử vong của người quá cố và quý vị đã được chỉ định làm người đại diện cá nhân. Trong đó không chỉ bao gồm các chủ nợ có hóa đơn chưa thanh toán, ví dụ như bác sĩ, công ty thẻ tín dụng và công ty tiện ích, mà còn bao gồm cả những người có thể có yêu cầu thanh toán đối với người quá cố trên cơ sở điều gì đó đã xảy ra trong khi người đó còn sống.
Ví dụ: nếu người quá cố có liên quan đến một tai nạn ô tô trong năm trước khi qua đời hoặc nếu quý vị biết được rằng ai đó có thể đã cho người quá cố vay tiền và có thể mong muốn được trả nợ từ di san, ngay cả khi người cho vay đó là họ hàng, thì quý vị cần thông báo cho những người đó biết thủ tục chứng thực di chúc đã bắt đầu.
Nếu người quá cố có thể có bất kỳ trách nhiệm nộp các khoản thuế đã phát sinh trước khi qua đời, cho dù được xác định mức thuế trước hoặc sau khi người đó qua đời (ngoại trừ đối với thuế bất động sản hoặc tiền xác định giá trị tính thuế), quý vị phải gửi thông báo cho cơ quan thuế phù hợp.
Ngoài ra, quý vị cũng phải thông báo cho Sở Dịch Vụ Y Tế về việc người đó đã qua đời nếu quý vị biết hoặc có lý do để tin rằng người quá cố đã nhận quyền lợi y tế Medi-Cal hoặc là người vợ/chồng còn sống của một người đã nhận quyền lợi y tế Medi-Cal.
Quý vị nên gửi thông báo cho Sở Dịch Vụ Y Tế ngay cả khi không có bất kỳ lý do nào để tin rằng người quá cố hoặc người vợ/chồng còn sống của người đó đã nhận được quyền lợi y tế Medi-Cal.
Tôi gửi Thông Báo cho chủ nợ như thế nào?
Bước 1
Điền đầy đủ mặt trước và mặt sau của mẫu đơn sau đây:
Thông Báo Quản Lý Di Sản gửi Chủ Nợ (Mẫu Đơn DE-157, Hội Đồng Tư Pháp). Ghi tên và địa chỉ của từng chủ nợ hoặc chủ nợ tiềm năng cần nhận thông báo trên mặt sau của mẫu đơn.
Nếu sau này phát hiện thêm chủ nợ, quý vị có thể gửi cho họ một bản mẫu đơn nhưng phải sử dụng mẫu đơn mới thể hiện đúng ngày gửi thư.
Lưu ý: Quý vị không được tự gửi mẫu đơn qua thư, hãy nhờ ai đó khác gửi thư cho quý vị và yêu cầu người đó điền đầy đủ và ký vào Bằng Chứng Tống Đạt bằng Thư ở mặt sau của mẫu đơn này.
Bước 2
Gửi bản sao mẫu đơn Thông Báo Quản Lý Di Sản gửi Chủ Nợ đã ký kèm theo một bản mẫu đơn Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ (Mẫu Đơn DE-172, Hội Đồng Tư Pháp) để trống. Quý vị cần gửi thông báo cho chủ nợ trong thời hạn muộn hơn giữa hai thời hạn sau:
- Bốn tháng sau ngày cấp Thư lần đầu hoặc
- Ba mươi ngày sau khi quý vị lần đầu biết về chủ nợ (ngay cả khi đã hết bốn tháng nêu trên).
Thông báo gửi tới Sở Dịch Vụ Y Tế phải được gửi qua thư không muộn hơn 90 ngày sau ngày thư được cấp lần đầu và phải bao gồm một bản sao giấy chứng tử của người quá cố. Quý vị không cần gửi Thông Báo Quản Lý Di Sản cho chủ nợ đã nộp yêu cầu thanh toán chính thức hoặc cho chủ nợ có hóa đơn mà quý vị dự định coi là "yêu cầu thanh toán".
Tôi có thể trả các khoản nợ của người quá cố ngay cả khi chủ nợ không nộp yêu cầu thanh toán không?
Có nhưng chỉ khi quý vị chắc chắn hóa đơn đó hợp lệ và di sản có đủ tiền để trả hết tất cả các yêu cầu thanh toán, bao gồm cả tiền thuế có thể phải nộp. Quý vị có thể coi hóa đơn là "yêu cầu thanh toán" ngay cả khi chủ nợ không nộp yêu cầu thanh toán chính thức.
Tuy nhiên, nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc liệu hóa đơn có hợp lệ hoặc quý vị có thể trả hết tất cả các khoản nợ của người quá cố hay không, quý vị nên chờ đến khi kết thúc thời hạn nộp yêu cầu thanh toán (là thời điểm muộn hơn giữa bốn tháng sau ngày Thư được cấp lần đầu hoặc sáu mươi ngày sau khi gửi Thông Báo Quản Lý Di Sản cuối cùng qua thư) để xác định tổng số tiền từ các yêu cầu thanh toán của chủ nợ đã nộp để được thanh toán bằng di sản.
Tôi có cần gửi Thông Báo cho các chủ nợ có tài sản đảm bảo không?
Các chủ nợ có tài sản đảm bảo (ví dụ như các tổ chức tài chính nắm giữ thế chấp đối với ngôi nhà hoặc bất động sản khác của người quá cố) cũng cần nhận được thông báo về việc tiến hành chứng thực di chúc.
Tuy nhiên, chủ nợ có tài sản đảm bảo không cần nộp yêu cầu thanh toán chính thức để thực hiện các quyền của họ đối với tài sản được đảm bảo, miễn là chủ nợ có tài sản đảm bảo đó đồng ý không theo đuổi bất kỳ yêu cầu thanh toán nào đối với di sản khác. Quý vị cần tiếp tục trả các khoản nợ thế chấp nếu di sản có đủ tiền trả (và thanh toán các chi phí khác của di sản).
Nếu không có đủ tiền để tiếp tục thực hiện các khoản thanh toán thường lệ, quý vị nên nhờ luật sư tư vấn hoặc hỗ trợ để tìm hiểu các phương án thay thế dành cho quý vị để tránh bị tịch thu và bảo vệ bất kỳ giá trị nào của người quá cố hoặc di sản có thể có trong tài sản đó.
Chủ nợ đã nộp yêu cầu thanh toán của chủ nợ, giờ tôi cần làm gì?
Quý vị phải xem xét kỹ yêu cầu thanh toán và chấp nhận hoặc từ chối toàn bộ hoặc một phần yêu cầu thanh toán đó bằng văn bản trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu thanh toán.
Bước 1
Điền đầy đủ mẫu đơn Chấp Nhận hoặc Từ Chối Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ (Mẫu Đơn DE-174, Hội Đồng Tư Pháp). Đính kèm bản sao Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ mà chủ nợ đã nộp.
Chỉ cần đính kèm chính mẫu đơn đã in ra mà không cần bất kỳ tài liệu chứng minh nào.
Bước 2
Gửi bản sao mẫu đơn Chấp Nhận hoặc Từ Chối Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ đó cho chủ nợ.
Lưu ý: Quý vị không được tự gửi mẫu đơn qua thư, hãy nhờ ai đó khác gửi thư cho quý vị và yêu cầu người đó điền đầy đủ và ký vào Bằng Chứng Tống Đạt bằng Thư ở mặt sau của mẫu đơn này.
Bước 3
Nộp bản gốc mẫu đơn Chấp Nhận hoặc Từ Chối Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ cho lục sự nộp hồ sơ chứng thực di chúc.
Người Quá Cố còn nợ tôi tiền, tôi nộp yêu cầu thanh toán để được thanh toán bằng di sản như thế nào?
Bước 1
Hoàn thành mặt trước và mặt sau của mẫu đơn sau:
Mẫu đơn Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ (Mẫu Đơn DE-172, Hội Đồng Tư Pháp). Liệt kê từng mục trong yêu cầu thanh toán và cho biết ngày đã cung cấp dịch vụ hoặc phát sinh khoản nợ. Đọc kỹ mẫu đơn vì trong đó có hướng dẫn quan trọng về cách nộp yêu cầu thanh toán.
Bước 2
Gửi qua thư hoặc giao trực tiếp bản sao mẫu đơn tới người đại diện cá nhân và luật sư của người đó. Điền đầy đủ phần Bằng Chứng Tống Đạt bằng Thư hoặc Trực Tiếp trên mặt sau của mẫu đơn.
Bước 3
Nộp bản gốc yêu cầu thanh toán cho lục sự nộp hồ sơ chứng thực di chúc.
Quý vị phải nộp yêu cầu thanh toán cho tòa TRONG VÒNG (a) bốn tháng sau ngày cấp thư (ủy quyền hành động thay mặt cho người quá cố) lần đầu hoặc (b) sáu mươi ngày sau ngày Thông Báo Quản Lý Di Sản được gửi tới quý vị.
Yêu cầu thanh toán của quý vị sẽ không hợp lệ nếu quý vị không điền đầy đủ mẫu đơn theo cách phù hợp, nộp mẫu đơn đúng hạn cho tòa án và gửi qua thư hoặc giao trực tiếp một bản sao cho người đại diện cá nhân và luật sư của người đó.
Bước 4
Chờ cho đến khi người đại diện cá nhân thông báo cho quý vị biết yêu cầu thanh toán của quý vị có được chấp nhận hay không. Quý vị phải nhận được bản sao mẫu đơn Chấp Nhận hoặc Từ Chối Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ (Mẫu Đơn DE-174, Hội Đồng Tư Pháp) từ người đại diện cá nhân. Nếu người đại diện cá nhân chấp nhận toàn bộ yêu cầu thanh toán của quý vị, khoản thanh toán phải được thực hiện trước ngày đóng và phân chia di sản, trừ khi di sản không đủ để trả hết nợ và các khoản nợ của người quá cố phải được tòa án chia theo tỷ lệ.
Nếu muốn được thông báo về thủ tục tố tụng trước tòa án, quý vị có thể nộp Yêu Cầu Thông Báo Đặc Biệt (Mẫu Đơn DE-154, Hội Đồng Tư Pháp). Nếu người đại diện cá nhân từ chối một phần hoặc toàn bộ yêu cầu thanh toán của quý vị, quý vị phải nộp đơn kiện dân sự riêng đối với người đại diện cá nhân và di sản trong vòng chín mươi ngày kể từ khi yêu cầu thanh toán của quý vị bị từ chối để xác lập tính hợp lệ cho yêu cầu thanh toán của quý vị.
Nếu không nhận được văn bản Chấp Nhận hoặc Từ Chối đối với yêu cầu thanh toán của mình trong vòng 30 ngày sau khi nộp yêu cầu thanh toán và gửi bản sao qua thư tới người đại diện cá nhân, theo tùy chọn của mình, yêu cầu thanh toán có thể được coi là bị từ chối và quý vị có thể khởi kiện người đại diện cá nhân và di sản.
Nếu không thể nộp yêu cầu thanh toán trong thời hạn nêu trên, quý vị có thể nộp yêu cầu thanh toán muộn nếu nộp lên tòa Đơn Xin Được Nộp Yêu Cầu Thanh Toán Muộn lên tòa, trong đó nêu rõ một trong hai trường hợp sau:
- người đại diện cá nhân không gửi thông báo phù hợp và kịp thời về việc quản lý di sản và quý vị nộp Đơn Xin Được Nộp Yêu Cầu Thanh Toán Muộn trong vòng 60 ngày sau khi quý vị thực sự biết về việc quản lý di sản (cho dù từ người đại diện cá nhân hay thông qua nguồn tin khác nào đó); hoặc
- Quý vị không biết về thông tin thực tế làm phát sinh yêu cầu thanh toán đối với người quá cố trong hơn 30 ngày của thời hạn nộp yêu cầu thanh toán của chủ nợ và quý vị đã nộp Đơn Xin Được Nộp Yêu Cầu Thanh Toán Muộn trong vòng 60 ngày sau khi quý vị thực sự biết về thông tin thực tế làm phát sinh yêu cầu thanh toán của quý vị và việc quản lý di sản.
Các yêu cầu thanh toán muộn sẽ không được chấp nhận trong bất kỳ tình huống nào nếu tòa án đã ban hành lệnh phân phối di sản chung cuộc hoặc sau một năm kể từ ngày mất của người quá cố.
Thẩm Phán Chứng Thực Di Chúc có phải chấp thuận yêu cầu thanh toán của chủ nợ không?
Nếu có quyền hạn đầy đủ hoặc giới hạn với tư cách là người đại diện cá nhân theo Đạo Luật Quản Lý Di Sản Độc Lập, thì quý vị có quyền chấp thuận hoặc từ chối các yêu cầu thanh toán của chủ nợ, TRỪ KHI quý vị (hoặc luật sư của quý vị) là chủ nợ của người quá cố.
Nếu là người đại diện cá nhân và có yêu cầu thanh toán để được thanh toán bằng di sản, quý vị cần điền đầy đủ và nộp Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ liên quan đến yêu cầu thanh toán của quý vị, kèm theo văn bản Chấp Nhận và Từ Chối Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ.
Quý vị phải điền đầy đủ và ký vào mẫu đơn Chấp Nhận và Từ Chối nhưng không cần điền Mục Số 8 (chấp nhận yêu cầu thanh toán). Nộp bản gốc Yêu Cầu Thanh Toán của Chủ Nợ và mẫu đơn Chấp Nhận và Từ Chối cho lục sự nộp hồ sơ chứng thực di chúc. Lục sự sẽ trình yêu cầu thanh toán của quý vị lên Thẩm Phán Chứng Thực Di Chúc để thẩm phán đó chấp thuận hoặc từ chối.
Thẩm phán đó có thể yêu cầu quý vị nộp đơn yêu cầu và đưa ra thông báo về phiên xử trước khi quyết định về yêu cầu thanh toán của quý vị.
Tôi có cần nộp tờ khai thuế đối với di sản không?
Có nhiều khả năng là quý vị sẽ phải nộp ít nhất một tờ khai thuế với tư cách là người đại diện cá nhân. Mọi người thường nghĩ rằng các khoản thuế mà người đại diện cá nhân phải nộp chỉ có thuế di sản, có nghĩa là thuế di sản liên bang và thuế di sản California.
Tuy nhiên, quý vị cũng có thể cần nộp tờ khai thuế thu nhập cho người quá cố và/hoặc di sản. Người đại diện phải nộp tất cả tờ khai thuế đến hạn và nộp tất cả các khoản thuế còn nợ. Là người đại diện cá nhân, quý vị có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc nộp các khoản thuế nếu quý vị đã biết về bất kỳ nghĩa vụ thuế nào hoặc không thực hiện thẩm định xem liệu có tồn tại bất kỳ nghĩa vụ thuế nào hay không trước khi phân phối di sản và quý vị kết thúc nghĩa vụ.
Quý vị cũng có thể phải chịu trách nhiệm nộp bất kỳ khoản tiền phạt hoặc tiền lãi nào có thể áp dụng do nộp hồ sơ muộn, định giá thấp hoặc có những khoản thiếu hụt khi nộp tờ khai thuế.
Một vấn đề mọi người thường hiểu nhầm là ấn định trách nhiệm nộp nhiều tờ khai thuế khác nhau và các tài liệu cần thiết khác cho mục đích thuế liên bang và tiểu bang. Đặc biệt, quý vị nên thuê người chuẩn bị hồ sơ thuế hoặc kế toán viên chuyên nghiệp hiểu rõ các yêu cầu về thuế áp dụng cho người quá cố và di sản của người đó.
Tuy nhiên, dưới đây là một số thông tin chung về các yêu cầu nộp tờ khai thuế thu nhập cuối cùng của người quá cố, tờ khai thuế thu nhập ủy thác và tờ khai thuế di sản.
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân cuối cùng:
Để xác định liệu có cần nộp tờ khai thuế thu nhập cuối cùng cho người quá cố không, quý vị phải biết tổng thu nhập, tình trạng hôn nhân và độ tuổi khi mất của người đó.
Tuy nhiên, nếu người quá cố có thu nhập từ hoạt động tự kinh doanh ròng từ $400 trở lên trong suốt năm chịu thuế cho đến ngày qua đời thì phải nộp tờ khai thuế liên bang cuối cùng, bất kể tổng thu nhập là bao nhiêu. Phải nộp tờ khai thuế thu nhập California cho mọi người quá cố cho năm người đó qua đời và các năm trước đó, nếu người quá cố đáng nhẽ phải nộp tờ khai thuế nhưng chưa nộp.
Phải nộp tờ khai thuế đối với di sản có tổng thu nhập cao hơn $8000 hoặc thu nhập ròng cao hơn $1000. Người đại diện phải nộp tờ khai thuế cuối cùng của người quá cố và bất kỳ tờ khai thuế thu nhập nào khác cho các kỳ trước đó mà người quá cố có nghĩa vụ phải nộp tại thời điểm qua đời.
Cả tờ khai thuế của liên bang và tiểu bang đều phải được đánh dấu là "TỜ KHAI THUẾ CUỐI CÙNG" và tên của người quá cố phải được ghi là người nộp thuế trên tờ khai, cho biết người đó đã qua đời tại thời điểm đó và ngày mất.
Ngoài ra, phải điền năm tính thuế của tờ khai thuế, cho biết một năm tính thuế bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 và kết thúc vào ngày mất của người quá cố và từ "deceased" (đã qua đời) ghi ngang trên đầu tờ khai thuế. Phải đính kèm Mẫu Đơn 3595 của Hội Đồng Thuế Đặc Quyền Kinh Doanh là Xử Lý Đặc Biệt Cần Thiết trên tờ khai thuế California, trong đó đánh dấu vào ô cho biết người nộp thuế đã qua đời. Tờ khai thuế phải có số an sinh xã hội hoặc thông tin nhận diện khác của người quá cố.
Người đại diện hoặc người khác nộp tờ khai thuế phải ký vào tờ khai thuế cuối cùng của người quá cố tại dòng chỉ định cho người nộp thuế, ví dụ: "John Doe, Executor, under the Will of Richard Roe, deceased" ("John Doe, Người Thi Hành Di Chúc, theo Di Chúc của người quá cố là Richard Roe"). Nếu nộp tờ khai thuế chung, người vợ/chồng còn sống cũng phải ký vào tờ khai thuế.
Ngày đến hạn nộp tờ khai thuế cuối cùng của người quá cố chính là ngày khi người đó còn sống.
Tờ khai thuế thu nhập được ủy thác:
Cho mục đích thuế thu nhập, di sản được chứng thực di chúc của người quá cố là một thực thể riêng bắt đầu từ khi người đó qua đời. Phải nộp Tờ Khai Thuế Thu Nhập Được Ủy Thác của Hoa Kỳ (Mẫu Đơn 1041) đối với di sản có tổng thu nhập trong năm chịu thuế từ $600 trở lên. Phải nộp Tờ Khai Thuế Thu Nhập Được Ủy Thác của California (Mẫu Đơn 541) cho kỳ chịu thuế nếu:
- tổng thu nhập của di sản cao hơn $8000 hoặc
- thu nhập ròng của di sản cao hơn $1000.
Trên thực tế, hầu hết các chuyên gia về thuế đều chuẩn bị tờ khai thuế thu nhập được ủy thác của California nếu phải nộp tờ khai thuế liên bang. Nếu phải nộp tờ khai thuế thu nhập, người đại diện có thể chọn một năm dương lịch hoặc một năm tài khóa, trong đó năm đầu tiên kết thúc vào ngày cuối cùng của một tháng bất kỳ không quá 12 tháng sau ngày mất của người quá cố.
Năm chịu thuế của di sản được coi là bắt đầu vào ngày ngay sau ngày người quá cố qua đời. Tờ khai thuế thu nhập của di sản sẽ đến hạn nộp vào hoặc trước ngày 15 của tháng thứ tư sau khi kết thúc năm tài khóa hoặc nếu tính theo năm dương lịch thì vào hoặc trước ngày 15 tháng 4.
Tờ khai thuế di sản của liên bang và California:
Thuế di sản liên bang là thuế gián thu áp dụng cho tất cả các giao dịch chuyển giao tài sản từ người quá cố (cho dù được thực hiện trong khi còn sống hay khi đã qua đời) và dựa trên cơ sở di sản chịu thuế của người quá cố, bằng tổng di sản trừ đi các khoản khấu trừ được phép, được giảm bớt các khoản tín dụng được phép. Phải nộp tờ khai thuế di sản liên bang theo Mẫu Đơn 706 đối với di sản của mọi công dân hoặc người cư trú tại Mỹ có tổng di sản được định giá vào ngày mất của người quá cố cộng với các món quà tặng chịu thuế được điều chỉnh sau năm 1976 và khoản miễn thuế cụ thể cao hơn số tiền loại trừ được áp dụng theo Bộ Luật Thuế Vụ (Internal Revenue Code, IRC) §2010(c) trong năm dương lịch có ngày người đó qua đời.
Trong năm 2001, điều này có nghĩa là tổng di sản chịu thuế tối thiểu $675,000. California không có thuế thừa kế nhưng áp dụng thuế "nhận thừa kế" di sản bằng phần của số tiền tín dụng tối đa được phép đối với các khoản thuế di sản của tiểu bang được phép trong khi xác định nợ thuế di sản liên bang áp dụng cho tài sản trong di sản tại California.
Phải nộp cả tờ khai thuế di sản của liên bang và California trong vòng chín tháng sau ngày mất của người quá cố, trừ khi được gia hạn. Việc nộp tờ khai thuế không được tự động gia hạn nên phải nộp đơn xin gia hạn tới trung tâm IRS nơi sẽ nộp tờ khai thuế trong thời gian phù hợp trước khi đến hạn nộp tờ khai thuế để IRS cân nhắc và trả lời đơn xin gia hạn.
Việc gia hạn thời gian nộp tờ khai thuế không kéo dài thời gian nộp thuế di sản phải nộp, mà phải yêu cầu riêng, nếu cần. Việc nộp muộn tờ khai thuế và nộp muộn thuế cũng có thể phải chịu các khoản tiền phạt riêng, ngoài khoản tiền lãi theo khoản nộp muộn.
IRS cũng có thể áp dụng "tiền phạt liên quan đến tính chính xác" nếu xác định bất kỳ tài sản nào được liệt kê trong tờ khai thuế được định giá thấp. Do đó, điều quan trọng là phải định giá sản phẩm chính xác nhất có thể. Quý vị nên thuê người thẩm định chuyên nghiệp có trình độ.